Cùng là hàng Việt, tại sao Vsmart thành công, Bphone lại không?
Cả Vsmart và Bphone đều là những hãng điện thoại của Việt Nam, thế nhưng khi nhìn vào doanh số và số lượng thị phần điện thoại hiện tại thì Vsmart dù ra mắt sau nhưng lại có ưu thế trên thị trường. Vậy lý do nào giúp Vsmart có những bước tiến lớn và nhanh như vậy?
Theo báo cáo thị trường mới được công bố gần đây, Vsmart đã vươn lên vị trí thứ 3 trong top các thương hiệu chiếm thị phần điện thoại lớn nhất Việt Nam chỉ sau Samsung và Oppo. Trong khi đó Bphone dù ra mắt trước Vsmart đến 3 năm nhưng hiện tại thị phần của hãng này là vô cùng nhỏ bé.
Chúng ta cùng tìm hiểu những lý do then chốt giúp Vsmart nhanh chóng chiếm được sự ưu ái của người dùng so với Bphone dù cả 2 đều là những thương hiệu của người Việt, cho người Việt.
Một điểm khác nhau cơ bản giúp Vsmart nhanh chóng chiếm được thị phần và được ưa chuộng tại Việt Nam là nhờ đối tượng khách hàng của họ rộng lớn và đa dạng hơn so với Bphone khá nhiều.
Với Bphone, công ty này đang định hướng tệp khách hàng của mình là người có điều kiện kinh tế từ ổn trở lên. Bphone đã và luôn định hình sản phẩm của mình ở phân khúc cao cấp và cận cao cấp, chính vì vậy họ luôn để giá của những chiếc smartphone của mình ở mức giá cao hơn mặt bằng chung.
CEO Nguyễn Tử Quảng cũng từng khẳng định các sản phẩm Bphone không phải sản phẩm giá rẻ. "Nếu ngay từ đầu chúng tôi tung ra điện thoại giá rẻ, người tiêu dùng sẽ mặc định Bphone là một thương hiệu giá rẻ. Chính vì vậy chúng tôi chỉ bán những sản phẩm cao cấp và xác định sẽ cạnh tranh với những flagship của Samsung hay Apple", BKAV nhấn mạnh.
Chính vì vậy không ngạc nhiên khi tệp khách hàng của Bphone rất nhỏ, những người không có điều kiện sẽ không bao giờ biết với Bphone và họ sẽ mãi mãi không có cơ hội để trải nghiệm và tin dùng sản phẩm này.
Trái ngược hoàn toàn với Bphone, Vsmart lại hướng đến đại đa số người dùng với các dòng máy từ phổ thông đến trung bình. Theo báo cáo của ngân hàng thế giớ, GDP đầu người của Việt Nam năm 2019 vào khoảng 2800 USD (tương đương 65 triệu/năm), chia ra thu nhập trung bình của người Việt Nam chỉ khoảng xấp xỉ 6 triệu/tháng.
Với thu nhập như vậy, nhiều người rất khó để tiếp cận những điện thoại cao cấp với mức giá xấp xỉ 10 triệu của Bphone. Trong khi đó với mức sản phẩm đa dạng, trải dài từ 1 triệu đến 4 triệu thì Vsmart dễ dàng tiếp cận với đa số người dùng hơn Bphone.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn Vingroup.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, chiến lược kinh doanh của Vsmart là cung cấp đa dạng mẫu mã với nhiều mức giá khác nhau, trải dài để thu hút được nhiều khách hàng. Sau khi thu hút được khách hàng và họ có trải nghiệm, tin tưởng vào chất lượng của Vsmart thì khi đó Vsmart sẽ dần dần phát triển, cho ra mắt những mẫu điện thoại cao cấp hơn.
Định hướng này giúp bất kỳ ai cũng có cơ hội tiếp cận với điện thoại Vsmart, từ đó tạo được niềm tin và dấu ấn, giúp thương hiệu Vsmart định hình trong nhận thức của nhiều khách hàng hơn so với Bphone. Việc có phân khúc khách hàng lớn cùng chất lượng sản phẩm cao giúp Vsmart nhanh chóng chiếm được ưu ái của rất nhiều người dùng.
Một trong những lý do cơ bản nữa giúp Vsmart nhanh chóng chiếm được thiện cảm của người dùng Việt Nam nhờ thương hiệu gắn liền với Vingroup. Với những gì đã làm được tại Việt Nam như sản xuất ô tô Vinfast, các dự án nhà ở chất lượng cao, hệ thống trường học,… thì niềm tin của khách hàng với Vsmart rõ ràng là rất cao.
Các sản phẩm của Vingroup đã khẳng định được độ tin cậy, chính vì vậy một sản phẩm của Vingroup như Vsmart phần nào đó khiến nhiều người kể cả chưa trải nghiệm cũng có niềm tin vào chất lượng. Đây là một lợi thế rất lớn của Vsmart nếu nhìn sang những gì Bphone đã phải trải qua.
Một trong những lý do cơ bản nữa giúp Vsmart nhanh chóng chiếm được thiện cảm của người dùng Việt Nam nhờ thương hiệu gắn liền với Vingroup.
Bphone là một sản phẩm của BKAV với người đứng đầu là CEO Nguyễn Tử Quảng. Dù xuất hiện và được biết đến rộng rãi trước Vingroup khá lâu nhưng những sản phẩm của BKAV luôn khiến người dùng đặt dấu hỏi hoài nghi về chất lượng. Điển hình là các phần mềm diệt virus BKAV, dù là sản phẩm của người Việt, được Việt hóa hoàn toàn và có bản miễn phí nhưng số lượng thị phần người sử dụng sản phẩm này không hề cao vì những dấu hỏi về chất lượng.
Hay những lùm xùm xung quanh chất lượng và những tính năng của chính Bphone khiến càng nhiều người phân vân và hoài nghi về Bphone. Giá trị của 2 thương hiệu có phần nào đó trái ngược nhau khiến sản phẩm của cả 2 được sự đón nhận cũng trái chiều. Với Vsmart là sự tin tưởng và háo hức thì Bphone lại không thực sự chiếm được lòng tin tuyệt đối từ người dân Việt Nam.
Thêm một lý do khiến Bphone phần nào đó mất điểm trong mắt người dùng tại Việt Nam là chiến lược truyền thông. BKAV có xu hướng nói về sản phẩm của mình với những ngôn từ "đao to búa lớn" như là tốt nhất, duy nhất hay đầu tiền. BKAV cũng nhắm tới cách truyền thông có phần phóng đại, tuy nhìn từng chi tiết thì bạn không thấy điều này nhưng nhìn ở mức tổng thể thì điều đó thể hiện rõ ràng.
Tuy nhiên theo quan điểm của tác giả, cách làm truyền thông này của Bphone phần nào đó lại đang làm hại chính họ, khiến nhiều người có ác cảm với Bphone. Như đã phân tích ở trên, rõ ràng thương hiệu BKAV chưa tạo được niềm tin tuyệt đối với người dùng, thêm vào đó việc sử dụng các từ ngữ phóng đại, đao to búa lớn khiến càng nhiều người hoài nghi hơn về sản phẩm của BKAV. Thậm chí nhiều người, nhiều diễn dàn còn gọi CEO của BKAV là anh Quảng "nổ" sau những tuyên bố anh đưa ra với sản phẩm Bphone.
Một cửa trung tâm bảo hành hiếm hoi của Bphone trên địa bàn Hà Nội.
Trong khi đó, các sản phẩm của Vsmart lại được truyền thông theo một cách hoàn toàn trái ngược. Ngay từ câu slogan "Sản phẩm thông minh vì mọi người" đã cho thấy Vingroup sử dụng kế hoạch truyền thông rất đơn giản và bình dị. Hướng tới trải nghiệm của người dùng nhiều hơn là những thông số hay kỷ lục, chính vì vậy Vsmart dễ dàng chiếm được thiện cảm của đại đa số người dùng đến hiện tại.
Cách làm truyền thông của cả 2 đều hướng tới việc nhấn mạnh yếu tố hàng Việt của mình. Cách làm của BKAV mạo hiểm hơn và nếu không cẩn thận họ có thể bị phản tác dụng, còn cách của Vsmart thì an toàn hơn, truyền thống hơn, và có lẽ sẽ dễ thuyết phục người dùng không rành công nghệ hơn. Có thể chính vì lẽ đó mà các sản phẩm của Vsmart được ưa chuộng hơn so với Bphone.
Điều cuối cùng mà theo tác giả quyết định đến thiện cảm của người dùng với 2 thương hiệu trên đó chính là chiến lược kinh doanh. Trong đó giá là một yếu tố then chốt quyết định và là ấn tượng đầu tiên của nhiều người với một sản phẩm.
Dù đều là thương hiệu điện thoại Việt nhưng sự khác nhau về phân khúc khách hàng khiến giá của Vsmart và Bphone có sự khác biệt rõ rệt. Tuy nhiên với nhiều người dùng, họ luôn định hình sản phẩm của người Việt thì sẽ có giá rẻ và hợp lý hơn so với những sản phẩm ngoại nhập hay các thương hiệu nước ngoài.
Nhìn lại Bphone 1 ra mắt vào năm 2015 với mức giá gần 10 triệu khiến nhiều người lắc đầu ngao ngán. Trong khi đó Vsmart lại tung những sản phẩm đầu tiên của mình là Vsmart Joy và Vsmart Active có cấu hình cực ổn mà giá chỉ từ 2 triệu. Chính sự khác biệt này giúp Vsmart được nhiều người đón nhận hơn Bphone.
Cùng với đó, chiến lược phân phối và bảo hành của Vsmart cũng giúp họ ghi điểm trong mắt người dùng. Với chiến lược kinh doanh rộng khắp, kết hợp cùng các chuỗi bán lẻ như FPTshop, TGDĐ, Mai Nguyễn,…cùng lợi thế hệ thống bản lẻ Vinmart+ phát triển thì người dùng dễ dàng tìm mua và bảo hành được điện thoại Vsmart.
Trong khi đó, BKAV lại rất khó khăn trong việc phân phối sản phẩm, dù có thời gian bắt tay với TGDĐ hay thậm chí bán qua hệ thống các cửa hàng nhỏ nhưng độ phủ sóng của những hình thức này vô cùng hạn chế. Chính điều đó khiến người dùng khó tiếp cận và trải nghiệm máy, dẫn đến việc nhiều người muốn ủng hộ nhưng không có cơ hội.
Người dùng dễ dàng tìm mua và bảo hành được điện thoại Vsmart.
Cuối cùng chất lượng vẫn là yếu tố quan trọng nhất của bất kỳ sản phẩm nào. Về điểm này, cả Bphone và Vsmart đều khiến người dùng có cơ hội trải nghiệm máy của họ hài lòng. Dù đi theo hai hướng khác nhau, với Bphone là tự nghiên cứu và sản xuất từ A-Z thì Vsmart là mua công nghệ, đi tắt đón đầu.
Nhưng những sản phẩm của cả 2 đều có chất lượng và độ hoàn thiện cao. Theo đánh giá của người dùng thì cả 2 thương hiệu đều cho ra những sản phẩm xứng đáng với số tiền. Tuy nhiên với việc phải nghiên cứu và sản xuất từ A-Z dẫn đến giá thành/hiệu năng của Bphone có phần cao hơn Vsmart. Cộng thêm những lùm xùm về những sản phẩm của BKAV thì Vsmart vẫn được người dùng đánh giá cao và có thiện cảm tốt hơn.
Tựu chung lại cả Bphone và Vsmart đều là những thương hiệu điện thoại Việt Nam, và trong hoàn cảnh chính phủ đang vận động người Việt dùng hàng Việt thì cả 2 đều có những ưu thế nhất định của mình.
Tuy nhiên nhờ những lợi thế từ trong tiềm lực như yếu tố sản phẩm, chiến lược, giá bán cũng như hình ảnh và mạng lưới hậu cần hỗ trợ,… mà Vsmart đang được ưa chuộng hơn Bphone tại thị trường Việt Nam. Sự cạnh tranh và phát triển của 2 thương hiệu này cuối cùng người hưởng lợi nhất vẫn là người dùng khi sẽ được sử dụng những sản phẩm vừa ngon, vừa bổ lại có giá vô cùng hợp lý.
No comments